Cải lương là một loại
hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca
miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ.
Bố cục
Khởi sự, các vở cải lương viết về các tích xưa, như Trảm Trịnh Ân, Vợ Ngũ Vân Thiệu bị tên, Cao Lũng vít thiết xa, Ngưu Cao tảo mộ, Thoại Khanh Châu Tuấn...hãy còn
giữ mang hơi hướm theo kiểu hát bội, do các soạn giả lớp cải lương đầu tiên vốn
là soạn giả của sân khấu hát bội. Sau này, các vở về đề tài xã hội mới (gọi là
tuồng xã hội), như Tội của ai, khúc oan vô lượng, Tứ đổ tường... thì hoàn toàn
theo cách bố cục của kịch nói,
nghĩa là vở kịch được phân thành hồi, màn, lớp, có mở màn, hạ màn, theo sự tiến
triển của hành động kịch. Càng về sau thì bố cục của các vở cải lương, kể cả
các vở viết về đề tài xưa cũng theo kiểu bố cục của kịch nói.
Đề tài & cốt truyện
Buổi đầu, kịch bản cải
lương lấy cốt truyện của các truyện thơ Nôm như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên...hoặc
các vở tuồng hát bội, hoặc phỏng theo truyện phim và kịch bản Pháp, như Bằng hữu binh nhung , Sắc giết người , Giá trị và danh dự , Tơ vương đến..
Vào những năm 1930, đã xuất
hiện những vỡ mới viết về đề tài xã hội Việt Nam như đã kể trên.
Sau đó, lại có thêm các
kịch bản dựa vào các truyện cổ Ấn Độ, Ai Cập, La Mã, Nhật Bản, Mông Cổ...Thế là cải lương có đủ loại tuồng ta,
tuồng Tàu, tuồng Tây...sau có thêm dạng tuồng kiếm hiệp, tuồng Hồ Quảng
v.v...chứng tỏ khả năng phong phú, biết đáp ứng sở thích của nhiều tầng lớp
công chúng.
Sự dung nạp không thành
kiến của cải lương có thể coi là sự lai tạp, nhưng đây cũng là khía cạnh đặc
điểm có tính chất chung đối với văn hóa của vùng đất Nam Bộ.
Một đoàn Cải
Lương không chỉ có các diễn viên diễn xuất trên sân khấu, mà luôn luôn phải có
một dàn nhạc đi kèm. Vì thế, khi trình bày về âm nhạc trong nghệ thuật Cải
Lương, không thể không nói tới dàn nhạc Cải Lương. Dàn nhạc Cải Lương có một
vai trò đặc biệt trong tuồng diễn, đến nỗi, không có dàn nhạc thì không thể
thành một tuồng diễn. Dàn nhạc trong Cải Lương không chỉ có nhiệm vụ nâng đỡ,
phụ hoạ cho giọng hát, mà còn tô điểm thêm cho từng giai điệu để làm nổi bật
chiều sâu tâm lý của nhân vật, tạo thêm kịch tính cho kịch bản, góp
phần cho sự thành công của tuồng diễn.
Có một điều đặc biệt cần chú ý là ngay từ buổi đầu, lúc mới khai sinh,
trong nghệ thuật Cải Lương đã có sự tồn tại song song của hai dàn nhạc: dàn nhạc cổ và dàn
nhạc tân. Vai trò và sự tham gia của hai dàn nhạc trong vở diễn tuy có khác
nhau nhưng không hề có sự lấn át lẫn nhau, mà luôn bổ túc cho nhau. Đó là sự
phối hợp độc đáo giữa nét truyền thống và nét hiện đại trong nền âm nhạc Cải
Lương.
Diễn xuất
Diễn viên cải lương diễn xuất như kịch nói. Chỉ khác là diễn viên ca chứ
không nói. Cử chỉ điệu bộ phù hợp theo lời ca, chứ không cường điệu như hát
bội. Vương Hồng Sển nói: Hát bội tượng trưng nhiều quá và la lối lớn tiếng quá,
trái lại cải lương ca rỉ rả cho thêm muồi...
Sau này (khoảng những năm 60), cải lương có pha thêm những cảnh múa, đu
bay, diễn võ...cốt chỉ để thêm sinh động...
Y phục, tranh cảnh
Trong các vở diễn về tuồng tích xưa hay lấy cốt truyện ở
nước ngoài thì y phục của diễn viên và tranh cảnh trên sân khấu cũng được chọn
lựa sao gợi được bối cảnh nơi xảy ra câu chuyện, nhưng cũng chỉ mới có tính ước
lệ chứ chưa đúng với hiện thực. Trong các vở về đề tài xã hội, diễn viên ăn mặc
như nhân vật ngoài đời.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét