Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015



Kế bên những điệu hò trữ tình, êm dịu, dân ca Nam Bộ còn bao gồm những bài hát lý (hay là những điệu lý). Lý là những khúc hát ngắn gọn, vui tươi, dí dỏm, mang tính chất lạc quan yêu đời rõ nét với các nhịp điệu phong phú và sinh động. Lý là khúc hát của người bình dân, thể hiện sâu sát đề tài của mọi khía cạnh, mọi hiện tượng trong cuộc sống, mọi trạng thái tình cảm và ước mơ của quần chúng nhân dân, mà chủ yếu là nông dân.


Như bài Lý ngựa ô (Nam Bộ):
"Lý con ngựa... ngựa ô (2 lần)
Anh tra khớp bạc, lục lạc đồng đen
Búp sen lá đậm - Dây cương đầm thấm
Cán roi anh bịt đồng thà...
Lá anh í a đưa nàng... là anh đưa nàng về dinh (2 lần)"
... Nhưng cũng có khi, lý lại được pha lẫn vào chút ít màu sắc trữ tình man mác như bài Lý lu là:
"Ai về giòng dứa mà qua truông
Nhắn thăm lu là với bậu ơ bậu ơi!
Bỏ buồn cho nàng ơi! mà cho ai?
Bỏ buồn cho nàng ơi! mà cho anh!"

Nội dung đề tài của Lý
            Đề tài mà Lý đề cập tới khá rộng rãi, từ cây cối, con vật, đồ vật, và nhiều hơn cả là giao duyên. Như vậy nội dung trữ tình bao trùm lên hầu khắp các bài Lý. Nói cách khác, tác giả dân gian chỉ “mượn” các con vật, cây cối, đồ vật để bày tỏ tình cảm của mình.
Ví dụ:   
“Chim chuyền nhành ớt líu lo
 Sầu ai nên nỗi ốm o gầy mòn”
                                                (Lý chim chuyền)
Hoặc: 
“Trèo lên cây duối duối già
 Cây già già duối biết nhà em đâu?”
                                                (Lý cây duối)
v.v…
Ngoài ra mỗi điệu lý còn có một nội dung rõ rệt, hoặc phổ biến những kinh nghiệm sản xuất (như Lý đất dòng chẳng hạn), ca ngợi những đức tính tốt trong cuộc sống (Lý Ba Tri), cái đẹp trong thiên nhiên (Lý cây xanh) hoặc oán trách nhau (như Lý lu là) hoặc mỉa mai, châm biếm bọn lý trưởng, cường hào (Lý con chuột, Lý bình vôi, Lý con sam). Các chủ đề nhạc trong các điệu lý rất nhiều vẻ, dưới những hình thức rất độc đáo, nhưng lại rất quen thuộc với phong vị cổ truyền của quần chúng từ lâu đời.

Đặc điểm nghệ thuật của Lý
            Có thể nói: hầu hết các bài Lý đều phổ thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Xét về phương diện âm hưởng nói chung toát ra từ các điệu Lý Nam Bộ, chúng ta rút ra được chất tinh khiết, chân thật, tuy mộc mạc, pha lẫn chút ít âm điệu mênh mông, với nhịp điệu sinh động, vui phơi phới đầy tươi mát. Đặc biệt về mặt kết cấu, lý cũng có những phân biệt câu cú, khúc, đoạn rõ ràng. Sự trình bày phần âm điệu được mạch lạc, có tính nhất quán toàn bộ, và dễ phát hiện, không cầu kỳ, phức tạp, ngổn ngang.

Cách vận dụng và xử lý các hệ thống điệu thức dân gian 5 cung hoặc 7 cung, hoặc 5 cung có thêm bớt bất thường trong thể loại lý, càng tạo thêm được nhiều sắc thái về giọng điệu, càng làm phong phú thêm, mở rộng ra nhiều khả năng kết hợp chặt chẽ giữa âm điệu và ngôn ngữ.
Một điểm khác biệt giữa Lý và một số thể loại dân ca khác (như Hò, Ví) là Lý hầu như không có lời mào đầu (ơ ơ, à ơ,…) mà trực tiếp vào lời ca chính. Ví dụ: Hai tay bưng dĩa... í a... bánh bò (Lý dĩa bánh bò). Việc sử dụng các tiếng đệm trong Lý rất phong phú. Hầu như bài Lý nào cũng có tiếng đệm. Thêm vào các tiếng đệm, lót, láy làm cho âm điệu của Lý mềm mại thêm. Những tiếng đệm này hòa quyện với lời thơ tạo nên những sắc thái khác nhau.

     Khác hẳn với những thể loại dân ca khác như hát ru, hát ghẹo, hát ví, hò…Lý không có môi trường diễn xướng riêng, không có lề lối, thủ tục qui định, đúng hơn là không tổ chức hát Lý như một cuộc thi. Người ta thường “lý” với nhau trong những lúc lao động sản xuất, hoặc trong khi nghỉ ngơi, giải trí hay trong những ngày tết nhất, mừng tân gia, đám cưới hay giỗ chạp. Khi buồn cũng hát Lý, mà khi vui cũng hát Lý.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét