Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

ĐỜI SỐNG NGƯỜI VIỆT QUA HÁT RU NAM BỘ



Lời hát ru, xét về mặt tác dụng của nó đối với trẻ thơ trong những lúc lắc võng, đưa nôi chỉ là để dỗ giấc các em, bên cạnh đó, lời hát ru còn là sự phản ánh sinh động đời sống, tình cảm, những quan hệ xã hội cũng như cách cư xử văn hoá của người Việt ta ngày xưa.

1. Tình cảm thiêng liêng cao cả của ông bà, cha mẹ được con cháu ghi tạc trong lòng:
Có câu hát như sau:
         “ Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
          Năm canh chày thức đủ vừa năm
          Lại có câu:
          Công cha như núi Thái Sơn
          Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
          Một lòng thờ mẹ kính cha
          Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
          Những lời hát ru trên dường như phổ biến đến mức trong hát ru trẻ ngủ của người dân Nam Bộ không thể thiếu những câu ca nằm lòng ấy. Với nét đẹp của ca từ, phải chăng lời hát ru còn muốn vươn đến những đối tượng khác, những thành viên khác trong gia đình chăng? Chính điều này khẳng định người Việt ta từ xưa đã rất xem trọng đạo nghĩa và rất có hiếu với cha mẹ vì cha mẹ là đấng sinh thành dưỡng dục với một sự gắn bó qua từng tháng ngày ta khôn lớn.
 Bởi thế lời hát ru còn có câu như sau:
           “Ví dầu cầu ván đóng đinh
          Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
          Khó đi mẹ dắt con đi
          Con đi trường học, mẹ đi trường đời.”


          Văn hoá Việt Nam rất thiên trọng nữ tính, bởi người Việt Nam từ lúc còn thơ bé đã rất gần với mẹ, người mẹ luôn bên con, quan tâm chăm sóc từng bước chân của con mình. Qua bài ca còn cho ta thấy dân tộc ta xưa rất có ý thức học tập, thích cầu tiến; học tập này bao gồm cả học kiến thức khoa học lẫn kiến thức đời sống xã hội, con đi trường học, mẹ đi trường đời. Có thể khẳng định rằng, ngoài vốn tri thức tiếp thu ở trường, người học trò nhỏ còn tiếp nhận được một lượng kiến thức về đạo đức, về vốn sống thực tế rất lớn từ người mẹ nữa.
Chính vì công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ to lớn như trời trời biển, nên trong kho tàng hát ru lại có câu:
         “ Chiều chiều ra đứng ngõ sau
          Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.”

          Đây phải chăng là tấm lòng của những cô gái lấy chồng xa xứ; cứ mỗi chiều về nhớ mẹ, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên trong lòng với một nỗi ưu tư thương nhớ. Tình cảm ấy đã chuyển hoá thành nỗi đau vừa cụ thể, vừa rất trừu tượng: ruột đau chín chiều.

2. Đời sống người Việt xưa trọng sùng hiếu đạo:
 Do người Việt ta xưa ý thức rất rõ về công lao to lớn của ông bà, cha mẹ, nên lời hát ru thể hiện sâu sắc sự hiếu đạo đối với họ.
          Câu ca mộc mạc mà chứa đựng một tấm lòng cao đẹp:
          “Gió đưa gió đẩy về rẩy ăn cồng
          Về sông ăn cá, về đồng ăn cua
          Bắt cua làm mắm cho chua
          Gửi về cho ngoại khỏi mua tốn tiền.”
          Hay:
          “Ầu ơ… có con chim manh manh…nó đậu cành chanh..tôi vác miểng sành… tôi chọi nó chết giãy ..tôi làm bảy mâm .. cho ông một mâm..cho bà một dĩa.. bà ăn bà hỏi con chim gì  ..tôi nói với bà là con chim  manh manh ơ..ầu ..ơ…”
Ngoài việc cung phụng từ miếng ăn, thức uống, đâu đó còn là tiếng lòng, là nỗi niềm cảm thương tha thiết:
“Ngó lên nuộc lạt mái nhà       
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.”

“Gió đưa cây cữu lí hương
Một ngày xa mẹ thất thường bữa ăn.
Trong một cách thể hiện khác, hình ảnh người mẹ hiện lên cụ thể hơn:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”
Từ tình cảm tha thiết, sự hiếu đạo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ - mà khi những lúc bị quở trách, đánh mắng, người con luôn tìm cách bộc lộ chữ hiếu của mình để được giảm nhẹ trận đòn:
“Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau má nhờ.”

“Má ơi đừng đánh con hoài
Để con câu cá bằm sài(xoài) má ăn”
Ngày xưa, điều kiện thiên nhiên chưa được khai phá phổ biến, càng đi về phía Nam của Nam bộ càng vắng vẻ hoang sơ. Người con gái vì lẽ đó mà càng không muốn rời xa mẹ:
“Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Nhà má ở tại đám dâu
Bước qua đám đậu đầu cầu ngó qua
Ngó qua đám bắp trỗ cờ
Đám dưa trỗ nụ,  đám cà trỗ bông”


3. Những cung bậc tình cảm từ tình yêu lứa đôi cho đến tình cảm vợ chồng:
          Nhiều bài hát ru Nam bộ đã thể hiện đầy đủ những phương diện của tình cảm từ tình yu lứa đôi đến mối quan hệ vợ chồng một cách toàn diện.
Trước hết là cách thể hiện lễ độ đối với đấng song thân của người yêu: 
         “ Đi qua nhà má, hai tay tôi sá, hai cẳng tôi quỳ
          Vì thương con má sá gì thân tôi.”
          Thực tế, người con trai không phải hành lễ như trong câu hát. Đó là đấu hiệu nghệ thuật của lời hát ru nhằm thể hiện sự tôn trọng và tỏ hành vi lễ phép của người con trai muốn cầu hôn cô gái.
          Vượt lên trên sự khó khăn đó, điều đáng lo ngại trong tình yêu còn là sự ngăn sông cách núi mà ông cha ta một khi đã yêu thì dẫu gian nan đến đâu cũng vượt qua:
          “Thương nhau mấy núi cũng trèo
          Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”
          Hay:
         “ Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
          Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
          Quản  chi nắng sớm mưa chiều
          Lên dơi xuống vịnh cũng chèo thăm em
          Trong lời tỏ tình, người Việt xưa cũng biết chọn lựa những câu ý nhị, tinh tế nhất:
          Sao vua chín cái nằm ngang
          Thương em từ thuở mẹ mang trong lòng
          Sao vua chín cái nằm chồng
          Thương em từ thuở mẹ bồng trên tay
          Sao vua chín cái nằm kề
          Thương em từ thuở mẹ về với cha”
          


Trong tình yêu người Việt rất dễ thông cảm cho nhau, nhưng do ta chú trọng sự điềm đạm, hoà nhã của con người nên, người con gái sẵn sàng chờ đợi người con trai đến khi nào anh ta đã tu dưỡng được tính tình của mình:
          “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
          Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
          Anh về anh học chữ nhu
          Chín trăng em đợi, mười thu em chờ”
          Và trong tình yêu cũng có những trái ngang, xa cách, lúc đó nỗi thương nhớ cũng hoá thành nỗi đau:
          “Chiều chiều chim vịt kêu chiều
          Bâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.
          Khi con người rơi vào trạng thái thất tình thì câu ca lại được thể hiện ở một cách khác:
          Lan huệ sầu ai lan huệ héo
          Lan huệ sầu tình trong héo ngoài tươi.”
  
        Sự tan vỡ trong tình yêu do cha mẹ không ưng thuận cũng là một nỗi đau cần được cảm thông:
         “ Cây da trốc gốc, thợ mộc đương cưa
          Đôi ta đi ra cũng xứng, đứng lại cũng vừa
          Tại cha với mẹ kén lừa xui gia.”
          Hay:
          “Trách ai danh giấy bỏ bìa
          Tại cha với mẹ em phải lìa xa anh."

 Sự vất vả của người vợ khi gia đình bị đổ vỡ hoặc những bê tha của người chồng:
          Gió đưa bụi chuối sau hè
          Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
          Con thơ tay ẵm tay bồng
          Tay nào xách nước, tay nào vo cơm.”

4. Những khía cạnh khác của đời sống người Việt xưa:
Sự  vất vả, cô đơn:
         “ Gió đưa cây cải về trờ
          Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.”
         
 Đời sống buôn bán ngược xuôi cơ cực:
          “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
          Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.”
         
 Cuộc đời xa xứ, cô đơn:
          “Người ta đi biển có đôi
          Còn tôi đi biển mồ côi một mình.”
          

Lao động sản xuất tăng gia là đời sống vui tươi:
          “Đất thanh bình mạ xanh em cấy
          Một hạt mầm là mấy tình thương
          Ngó lên mảnh đất quê hương
          Dâu xanh la tốt vấn vương tơ tằm.”
         
 Luôn có ý thức về cái đẹp trong ăn nói:
          “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
          Người khôn nói tiếng dịu dàng dể                                                         nghe."
   Xem trọng lời dạy bảo của mẹ cha:
          "Cá không ăn muối cá ươn
          Con cãi cha mẹ trăm  đường con hư.”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét